TPP không hẳn là chìa khóa thần kỳ mở cửa nhiều thị trường, với các hãng xuất khẩu thủy sản tại Trung Quốc, chắc chắn nó sẽ gây ra nhiều trở ngại, điển hình là việc Trung Quốc phải quay về thị trường nội địa trong khi vẫn phải tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo chuyên gia thương mại hàng đầu Trung Quốc, Fan Libo, giáo sư Trường Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế tại Bắc Kinh, thủy sản cũng như trái cây, rau củ, vẫn là mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của Trung Quốc; nhưng đang chịu sự cạnh tranh gay gắt tại những thị trường quan trọng như Mỹ do hàng giá rẻ của các nước đối thủ cũng theo TPP tràn vào.
Nếu Trung Quốc thua cuộc trước TPP thì Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất. Trung Quốc nhanh chóng trở thành điểm đến lớn thứ 3 trên thế giới (sau EU và Mỹ) với mặt hàng thủy sản Việt Nam. Nhờ TPP, Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế xuất khẩu thủy sản đông lạnh khi thuế giảm từ 5% xuống 0% dù toàn ngành nông nghiệp Việt Nam cũng chịu sức ép cạnh tranh trước các nước thành viên TPP. Việc Trung Quốc ký kết Hiệp định thương mại tự do với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, càng khiến thủy sản Việt Nam có sức cạnh tranh cao hơn. Rõ ràng, TPP đang mở ra nhiều sự lựa chọn cho các hãng xuất khẩu tôm và cá tra của Việt Nam, còn Trung Quốc lại đang thực sự lo lắng vì nguồn cung tôm Việt Nam cho nước này có nguy cơ bị thu hẹp, nhường chỗ cho thị trường tiêu thụ tiềm năng hơn là Mỹ.
Trong 12 nước tham gia TPP, Việt Nam gần như hưởng lợi nhiều nhất nhờ giảm thuế, quan trọng nhất là thuế chống bán phá giá. TPP có ý nghĩa quan trọng với ngành xuất khẩu của Việt Nam tại Mỹ vì nó xóa bỏ được những hiểm họa từ thuế chống bán phá giá của nước này. Do chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp vẫn được nhà nước hỗ trợ nên Việt Nam đang phải đối mặt thuế chống bán phá giá cao hơn. Bởi vậy, việc giảm thuế của Mỹ thông qua TPP là cú hích lớn để Việt Nam tăng sức cạnh tranh tại thị trường này, đặc biệt với những nước châu Á khác không phải thành viên TPP.
Điều này cũng là một nhân tố khiến tôm Trung Quốc và một số sản phẩm nuôi trồng thủy sản sẽ buộc phải ở lại thị trường nội địa, và tìm cách giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Việt Nam. Và điều này có thể dẫn tới xu hướng "xuất ngoại" của nhiều hãng thủy sản lớn tại Trung Quốc nhằm thiết lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam để tìm kiếm nguồn cung và tận dụng cơ hội do TPP mang lại. Dù sao, không phủ nhận TPP mang lại nhiều cơ hội cho thủy sản Việt Nam nhưng lại đang đẩy nhanh quá trình dịch chuyển "đầy đau đớn" của ngành thủy sản Trung Quốc quay lại thị trường nội địa.
Biên tập viên Seafoodsource
Mark GodfreyNguồn : http://thuysanvietnam.com.vn/