Ngày 21/6/2017, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 2625/QĐ-BNN-TY Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh trong sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2017 - 2020.
Theo đó giai đoạn 2017 - 2020, hàng loạt những nội dung quan trọng sẽ tiếp tục được Bộ NN&PTNT triển khai, cụ thể hóa bằng những hành động cụ thể nhằm tiếp tục nỗ lực kiểm soát việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản như: Kiện toàn tiểu ban chuyên trách về kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản trực thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống kháng kháng sinh cũng như hệ thống chỉ đạo quản lý kháng sinh và kháng kháng sinh.
Đồng thời, xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng sẽ từng bước loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh trong phòng bệnh và kích thích sinh trưởng cho vật nuôi; rà soát, kiểm soát chặt chẽ quy định kê đơn và bán kháng sinh theo đơn; kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu, buôn bán và sử dụng kháng sinh… Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai chương trình giám sát tình trạng kháng kháng sinh và tồn dư kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản đối với các đối tượng chủ lực như lợn, gà, cá tra, tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá rô phi…
Nội dung hoạt động cụ thể một số điều tại Quyết định:
1. Xác định số lượng và đặc tính xuất hiện kháng kháng sinh trên động vật và theo chuỗi thực phẩm
1.1. Sử dụng bộ công cụ lập bản đồ phòng thử nghiệm để đánh giá năng lực thực hiện các phép thử vi sinh vật và kháng kháng sinh trong thực phẩm và trên động vật của các phòng thử nghiệm hiện nay.
1.2. Lập Danh sách các phòng thử nghiệm tham gia vào chương trình giám sát quốc gia về kháng kháng sinh trong thực phẩm và trên động vật (sau đây gọi tắt là Danh sách phòng thử nghiệm), bao gồm cả phòng thử nghiệm tư nhân. Chỉ định phòng thử nghiệm đầu mối cấp quốc gia cho hoạt động này.
1.3. Xây dựng các tiêu chuẩn cho các thử nghiệm kháng kháng sinh (dựa trên các tiêu chuẩn ISO và CLSI); tổ chức các khóa đào tạo cho các phòng thử nghiệm trong danh sách nêu trên để đảm bảo chất lượng thử nghiệm và thống nhất tiêu chuẩn áp dụng.
1.4. Tăng cường công tác quản lý chất lượng thử nghiệm về kháng sinh và kháng kháng sinh, với thứ tự ưu tiên là Phòng thử nghiệm đầu mối cấp quốc gia và sau đó cho các phòng thử nghiệm thuộc Danh sách phòng thử nghiệm.
1.5. Xây dựng chương trình giám sát quốc gia về kháng kháng sinh trên động vật và trên thực phẩm.
1.6. Xây dựng chương trình quốc gia về giám sát kháng kháng sinh trên thủy sản nuôi:
a) Mục tiêu: Ước tính tỷ lệ lưu hành của vi khuẩn kháng kháng sinh và phát hiện gen kháng kháng sinh.
b) Đối tượng và thời điểm được lựa chọn:
- Loài thủy sản: cá tra, cá rô phi, tôm sú, tôm thẻ chân trắng
- Loài vi khuẩn giám sát: E. Coli, Salmonella, Vibrio spp. và Aeromonas spp.
- Kháng sinh: Ampicilline, Amoxycilline, Florphenicol, Oxytetracylline, Enrofloxacine, Norfloxacin, Trimethoprim-sulfamethoxazole, Sulfadimidine, Getamycin.
1.7. Cách thức thực hiện: Phối hợp với các chương trình giám sát về an toàn thực phẩm hiện có. Sử dụng cách tiếp cận dựa trên phân tích nguy cơ thường xuyên cập nhật chương trình giám sát kháng kháng sinh.
1.8. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu trung ương để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và phân tích các dữ liệu về kháng kháng sinh.
1.9. Chia sẻ kết quả của chương trình giám sát kháng kháng sinh quốc gia cho tất cả các phòng thử nghiệm tham gia thông qua việc báo cáo bằng văn bản hoặc báo cáo trực tuyến hàng quý hoặc trong các cuộc họp thường niên.
1.10. Thiết lập các chương trình hợp tác với các đối tác nghiên cứu để tiếp tục khảo sát và xác định đặc tính của các vi khuẩn kháng kháng sinh trong thực phẩm và trên động vật như các cuộc điều tra ở cấp trại chăn nuôi.
2. Xác định số lượng và đặc tính kháng kháng sinh trong chăn nuôi và NTTS
2.1. Xây dựng và thực hiện chương trình quốc gia về giám sát kháng kháng sinh trong chăn nuôi và NTTS; dữ liệu về kháng sinh nhập khẩu được sử dụng như một dữ liệu đầu vào đầu tiên.
2.2. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và phân tích các dữ liệu về quản lý kháng sinh của Việt Nam; đồng thời được sử dụng như một thông số cơ sở của OIE về quản lý sử dụng kháng sinh trên vật nuôi trên toàn cầu.
2.3. Chia sẻ kết quả của chương trình giám sát quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh cho các bên liên quan.
2.4. Thành lập hợp tác với các đối tác nghiên cứu để cung cấp bổ sung kiến thức về thực hành sử dụng kháng sinh trong sản xuất chăn nuôi và NTTS.
3. Đánh giá mối tương quan giữa quản lý sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, NTTS và hậu quả của kháng kháng sinh tại Việt Nam
3.1. Đánh giá mối tương quan giữa quản lý sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, NTTS với sự xuất hiện kháng kháng sinh ở động vật và trong thực phẩm để chuẩn bị cho việc giảm sử dụng kháng sinh trong tương lai, sử dụng một phương pháp tiếp cận dựa trên phân tích nguy cơ.
3.2. Xác định số lượng và đặc tính xuất hiện của dư lượng kháng sinh trong thực phẩm có nguồn gốc động vật.
3.3. Thực hiện giám sát thường xuyên dư lượng kháng sinh trong thực phẩm có nguồn gốc động vật cả cho xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.
3.4. Chia sẻ kết quả của chương trình giám sát dư lượng kháng sinh cho các bên liên quan bằng văn bản hoặc báo cáo trực tuyến hoặc các cuộc họp hàng quý, hàng năm.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 21/6/2017.